Giấy phép thi công xây dựng là một thủ tục quen thuộc cần phải có trước khi thi công xây dựng hay cải tạo công trình. Việc xin giấy phép thi công xây dựng rất cần thiết vì đây là căn cứ để xác minh hoạt động trật tự xây dựng, hồ sơ thi công xây dựng, quá trình đăng ký sở hữu và sử dụng công trình theo quy định pháp luật.
Giấy phép thi công xây dựng là gì?
- Căn cứ theo Khoản 17, Điều 3, Luật xây dựng 2014 có quy định:
“Giấy phép thi công xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa và di dời công trình”.
- Dựa theo Khoản 30, Điều 1, Luật Xây Dựng sửa đổi năm 2020, giấy phép thi công xây dựng bao gồm 4 loại:
- Giấy phép xây dựng mới
- Giấy phép sửa chữa, cải tạo
- Giấy phép di dời công trình
- Giấy phép xây dựng có thời hạn (Giấy phép được cấp cho các công trình được xây dựng trong một thời gian nhất định, tuân thủ kế hoạch quy hoạch xây dựng chung).
Do đó, khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu về thi công xây dựng bắt buộc phải có giấy phép xây dựng, trừ các công trình được miễn giấy phép. Và bạn phải xác định được công trình của mình thuộc hạng mục nào mà xin cấp giấy phép tương ứng.
Những trường hợp cần có giấy phép thi công xây dựng
Các công trình xây dựng đều phải có giấy phép thi công xây dựng theo quy định nhà nước. Trong đó, những trường hợp sau được phép miễn giấy phép xây dựng:
- Công trình bí mật nhà nước, các công trình xây dựng khẩn cấp.
- Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công, công trình xây dựng tạm theo Điều 131 của Luật xây dựng.
- Nhà ở riêng có quy mô dưới 7 tầng mà thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết (1/500) đã được phê duyệt.
- Công trình có quy mô dưới 07 tầng, không thuộc khu vực đô thị hay khu quy hoạch.
- Các công trình xây dựng tại Điểm b, e, g, h và i Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
Nếu thi công công trình xây dựng mà không có giấy phép sẽ bạn xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ mà không có giấy phép trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa khu vực nông thôn.
- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ mà không có giấy phép trong khu vực đô thị.
Thời gian cấp giấy phép xây dựng bao lâu?
Dựa theo khoản 10 Điều 90 Luật xây dựng năm 2014, giấy phép thi công xây dựng có thời hạn 12 tháng, kể từ khi cấp phép. Nếu hết thời hạn mà vẫn chưa tiến hành thi công thì cần đăng ký gia hạn mới.
Thời gian cấp giấy phép xây dựng mới hoặc đăng ký thủ tục gia hạn giấy phép trong khoảng từ một đến hai tháng. Cụ thể:
- Trong thời gian 7 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm quyền sẽ điều tra, thẩm định và xin ý kiến của các cơ quan liên quan.
- Trong thời gian 12 ngày, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phản hồi các nội dung thuộc chức năng quản lý của mình.
- Cấp giấy phép xây dựng trong vòng 30 ngày đối với: giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng cải tạo và giấy phép di dời. Trong đó, đối với giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ sẽ được cấp trong vòng 15 ngày.
- Nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ cần thời gian xác minh, kiểm tra hoặc xem xét hồ sơ thì có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 10 ngày.
- Nếu xin cấp lại hoặc gia hạn giấy phép xây dựng cần gia hạn thêm 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Xin cấp giấy phép thi công xây dựng có tốn phí không?
Giấy phép thi công xây dựng là một thủ tục hành chính và bắt buộc phải thực hiện khi xây dựng nhà riêng hay công trình đầu tư. Song song, quá trình cấp giấy phép thi công xây dựng phải nộp thêm lệ phí giấy phép:
- Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ: 50.000 đồng/giấy phép
- Giấy phép đối với các công trình khác: 100.000 đồng.giấy phép
- Gia hạn giấy phép xây dựng: 10.000 đồng/giấy phép
Quy trình xin cấp giấy phép xây dựng
Trước khi xin cấp phép xây dựng bạn cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng
- Bản sao những giấy tờ minh chứng quyền sở hữu đất theo quy định của pháp luật về đất đai
- Bản vẽ chi tiết thiết kế xây dựng
- Bản cam kết đảm bảo an toàn công trình nếu có công trình liền kề
Sau khi đã hoàn tất hồ sơ, thực hiện xin cấp giấy phép xây dựng theo quy trình 03 bước sau:
- Bước 1: Nộp hồ sơ xét duyệt tại UBND nơi chuẩn bị xây dựng nhà ở
- Bước 2: Bộ phận tiếp nhận sẽ kiểm duyệt hồ sơ. Nếu thiếu hồ sơ, bạn sẽ được yêu cầu bổ sung các giấy tờ còn thiếu. Nếu đã đủ bộ hồ sơ, bạn sẽ nhận được biên nhận lịch hẹn cấp giấy.
- Bước 3: Người sử dụng chỉ cần chờ đến thời gian nhận kết quả và nộp lệ phí theo quy định.
Trên đây là những thông tin liên quan đến giấy phép thi công xây dựng mà bạn cần nắm được trước khi thi công xây dựng. Đối với một số đơn vị nhà thầu sẽ hỗ trợ bạn xin cấp giấy phép thi công xây dựng. Và Xây dựng Hà Nam là một trong những đơn vị hỗ trợ bạn xin giấy phép thi công xây dựng.